Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km; có 28/63 tỉnh, thành phố có biển; có 1 triệu km2 biển, gấp 3 lần diện tích đất liền. Vùng biển và hải đảo nước ta có vị trí chiến lược hết sức to lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, có liên quan trực tiếp đến sự phồn vinh của đất nước, đến văn minh và hạnh phúc của nhân dân.

Tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam rất phong phú và đa dạng với các loại như: hải sản, khoáng sản, dầu mỏ, giao thông, du lịch,... Bên cạnh đó, biển, đảo Việt Nam là một bộ phận cấu thành chủ quyền quốc gia, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ thế kỷ thứ 10 Việt Nam đã chính thức giành được độc lập, từ đó các triều đại phong kiến Việt Nam luôn coi việc bảo vệ biên cương biển đảo của tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của dân tộc. Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, và sau này trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Việt Nam đều có những minh chứng lịch sử để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây phía Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố đường lưỡi bò và có nhiều hành động gây căng thẳng trên Biển Đông cũng như những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giải quyết tranh chấp trên biển Đông là tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982.

Đồng thời Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã đưa ra chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.